Sống Trong Thực Tại

Sống Trong Thực Tại

Tác giả
Sư Viên Minh

Trong loạt bài giảng tại chùa Huyền Không năm 1993 tôi chia ra hai phần: Phần thứ nhất giới thiệu về LÝ (để thấy thực tánh), phần thứ hai trình bày về SỰ (để sống thuận pháp). Phần LÝ đã được ghi chép lại trong cuốn THỰC TẠI HIỆN TIỀN xuất bản năm 2004. Phần SỰ tôi hứa sẽ biên tập thành cuốn SỐNG TRONG THỰC TẠI này.

Giác ngộ giải thoát là một cụm từ đã bị hiểu lầm trầm trọng. Có giác ngộ mới có giải thoát, nhưng phần lớn hành giả quá chú trọng đến giải thoát, nên đã bỏ qua yếu tố giác ngộ và đã biến giải thoát thành nỗ lực hành động để sớm thoát khỏi tình trạng bất như ý, hầu mong nhanh chóng đạt được trạng thái như ý. Nhưng đây chính là quy trình của sự trói buộc chứ không phải giải thoát, đơn giản chỉ vì muốn đạt được trạng thái như ý - dù dưới nhãn hiệu thiên đường, cực lạc hay Niết-bàn - thì vẫn xuất phát từ cái ta vô minh ái dục, mà đó mới chính là trung tâm của toàn bộ nỗi khổ đau bất hạnh của đời sống vốn không bao giờ như ý.

Giác ngộ là thấy ra sự thật (thực tánh pháp). Không thấy ra sự thật tức còn vô minh. Còn vô minh tức còn ái dục thì làm sao có sự giải thoát? Giống như người sợ hãi vì tưởng sợi dây là con rắn, bao lâu người ấy chưa thấy ra đó chỉ là sợi dây thì không thể nào thoát khỏi sợ hãi, dù tìm đủ mọi cách để cố gắng loại trừ sợ hãi thì chỉ vô tình làm cho sợ hãi gia tăng, bởi vì chính cái ta nỗ lực loại trừ sợ hãi là nguyên nhân phát sinh sự sợ hãi. Từ vipassanā trong Thiền Minh Sát đơn giản chỉ có nghĩa là thấy minh bạch, tức thấy ra thực tánh chân đế, mà Thiền Tông gọi là kiến tánh, chứ không thấy qua ảo tưởng của khái niệm tục đế, nhất là khái niệm “ta” và “của ta”.

Khi khái niệm “ta” và “của ta” được hình thành thì khổ đau, bất hạnh cũng bắt đầu. Cái ta ảo tưởng (attavipallāsa) chính là đầu mối của luân hồi sinh tử. Nếu không có cái ta ảo tưởng xen vào thì pháp vốn vận hành rất hoàn hảo, tự nhiên, và tánh biết cũng biết pháp một cách hoàn hảo, tự nhiên, vì đặc tánh của tâm chính là biết pháp. Đó là lý do vì sao đức Phật dạy: “Khi tâm thanh tịnh thì thấy các pháp đều thanh tịnh”. Tâm thanh tịnh tức là tánh biết rỗng lặng trong sáng tự nhiên, không bị che mờ bởi ảo tưởng của cái ta tà kiến và tham ái, nên chỉ cần buông cái ta ảo tưởng xuống thì tánh biết liền thấy pháp minh bạch mà không cần khổ công tu luyện gì cả. Khổ công tu luyện là rơi vào cái bẫy “ý chí muốn trở thành” trong quy trình “ái - thủ - hữu” của vòng luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau.

Thiền không phải là nỗ lực tìm cầu để đạt được cái chưa có mà là buông hết mọi nỗ lực tìm cầu thì liền thấy ra ngay đó đã có tất cả. Nhiều người nỗ lực tu luyện để thấy ra thực tánh pháp (hay kiến tánh) trong trạng thái thiền định xuất thần, hoặc trong những trạng thái siêu hình huyền bí, nhưng tất cả chỉ là ảo giác của cái ta ảo tưởng. Cái ta có thể tạo ra tam giới nhưng chỉ để trói buộc chính mình trong đó mà thôi. Thực tánh ở khắp mọi nơi, có thể thấy ngay (sandiṭṭhiko), không qua thời gian (akāliko), nên không cần phải dấn thân tìm kiếm kinh nghiệm một cách manh mún, như chủ nghĩa hiện sinh phương Tây. Ngay khi tâm rỗng lặng trong sáng thì tánh biết liền thấy thực tánh chân đế một cách toàn diện, trong tất cả pháp, chứ không phải chỉ thấy riêng trong một kinh nghiệm pháp đặc biệt nào.
(Trích Lời Nói Đầu)

Mục lục:
  1. Lời Nói Đầu
  2. An Nhiên Vô Sự
  3. Trở Về Thực Tại
  4. Thấy Biết Trong Sáng
  5. Thấy Biết Trong Sáng (tiếp theo)
  6. Suy Nghĩ Chân Thực
  7. Nhiệt Tâm Cần Mẫn
  8. Bình Thản Đón Nhận
  9. Hành Xử Tinh Tế
  10. Nội Tâm Tĩnh Lặng
  11. Nội Tâm Tĩnh Lặng (tiếp theo)
  12. Ngay Đó Là Bờ
  13. Ngay Đó Là Bờ (tiếp theo)
Nhà xuất bản
Hồng Đức
Người đọc
Tuấn Anh, Kiều Hạnh, Thùy Tiên
Người gửi
dieuphapam
Tải về
1,376
Xem
5,926
Phát hành
Cập nhật
Điểm
0.00 star(s) 0 ratings

Các tác phẩm khác

Top