Hạnh Phúc Là Điều Có Thật

Hạnh Phúc Là Điều Có Thật

Tác giả
Nguyễn Minh Tiến

“Hạnh phúc là điều có thật.” Hẳn sẽ có những độc giả cho rằng đây là một điều khá ngây ngô để nói lên, vì mỗi người trong chúng ta, có ai lại không một lần đã từng nếm trải cái gọi là “hạnh phúc”?

Vấn đề ở đây là, thế nào là hạnh phúc trong quan điểm của mỗi người, điều đó còn có khá nhiều khác biệt. Và nếu như quý vị có phần nào đồng ý với những trang viết sau đây, thì câu hỏi đặt ra: “Hạnh phúc có thật hay chăng?” sẽ không phải là một câu dễ trả lời như nhiều người vẫn tưởng.

Với một số người – có lẽ là đa số – thì hạnh phúc dường như là cảm giác chúng ta có được khi thỏa mãn điều gì. Trong cơn khát cháy bỏng, một ly nước lọc đơn sơ cũng là nguồn mang lại hạnh phúc. Khi đang đói, một củ khoai lùi thơm nóng cũng có tác dụng tương tự. Chúng ta sung sướng được thỏa mãn đúng nhu cầu mình đang cần. Cơm no áo ấm, vợ đẹp con ngoan... hay nói rộng ra những vấn đề khác mà chúng ta cho là to tát hơn, quan trọng hơn, cũng đều tương tự. Một nông dân thu hoạch được mùa, một thương gia làm ăn có lãi, một bác sĩ có đông bệnh nhân, một chính trị gia giành được nhiều sự ủng hộ từ quần chúng... Nói chung, khi những nhu cầu của chúng ta được thỏa mãn, đều mang lại cho chúng ta cảm giác sung sướng. Và nếu chúng ta nhìn sâu vào vấn đề hơn chút nữa, chúng ta sẽ thấy ra một điều thú vị là, cảm giác mà chúng ta gọi là hạnh phúc đó, nó nhỏ nhoi hay to lớn không tùy thuộc vào những gì ta có được, mà là vào sự cần thiết của chúng ta nhiều hay ít, cấp bách hay hòa hoãn... Khi ta thật đói, một bữa ăn đơn sơ có thể làm ta sung sướng vô cùng; nhưng khi không có nhu cầu ăn uống, việc được mời dự một bữa tiệc thịnh soạn cũng chỉ là không đáng kể.

Một số người khác cho rằng hạnh phúc là được sống, được làm theo những gì mình mong muốn, và như vậy cũng có nghĩa là phù hợp với nền giáo dục, đạo đức, tín ngưỡng... mà họ được đào luyện từ thuở nhỏ. Với những người này, sự thành tựu vật chất tuy không phải bị phủ nhận hoàn toàn, nhưng được xem là thứ yếu, và vai trò quan trọng để có được cái gọi là hạnh phúc phụ thuộc nhiều hơn vào yếu tố tinh thần, hay tình cảm. Chẳng hạn như, người ta có thể cảm thấy hạnh phúc khi được sống với người mình yêu thương, cho dù cuộc sống ấy có thiếu thốn, vất vả... Hoặc người ta có thể cảm thấy hạnh phúc khi được theo đuổi một mục tiêu lý tưởng của đời mình, cho dù phải chịu nhiều gian nguy, khốn đốn. Lý tưởng càng mạnh mẽ, tình cảm càng sâu xa... thì người ta càng cảm thấy sung sướng, hạnh phúc hơn khi được thực hiện những gì mình mong muốn.

Trong cả hai cách hiểu trên, hạnh phúc đều có một trạng thái đối nghịch mà chúng ta gọi là đau khổ, khi không được thỏa mãn những nhu cầu của mình. Khi đói không được ăn, khát không được uống, mong cầu không thỏa mãn hoặc làm ăn thua lỗ... chúng ta đều phải nếm trải trạng thái không có hạnh phúc. Có một câu nói lên được ý tưởng này: “Hạnh phúc là sự tạm dừng của những đau khổ.” Nghe có vẻ bi quan, nhưng chính những cách hiểu hạnh phúc như trên đã dẫn đến phát biểu rất chính xác này.

Và hạnh phúc như vậy quả thật là quá mong manh! Vật chất vốn không thường tồn, và những nhu cầu, mong muốn của chúng ta thì không giới hạn. Vì thế, chúng ta luôn sống trong trạng thái mong đợi nhiều hơn là thật sự được trải nghiệm cái gọi là hạnh phúc ấy. Ngay cả tình cảm của chúng ta cũng không phải là một cái gì tuyệt đối bất biến. Yêu thương hôm nay, ngày mai chán ghét; thỏa mãn lúc này, bất mãn lúc khác... Chúng ta luôn xoay vần theo những biến đổi quanh ta và trong chính bản thân ta, và hạnh phúc chỉ như một ngọn hải đăng xa vời lúc nào cũng nằm về phía trước, trong khi thực tế quanh ta thường xuyên là sóng gió ảm đạm mịt mù...

Chính từ những suy nghĩ trên, đôi khi chúng ta thường hoang mang tự hỏi: “Hạnh phúc, phải chăng là một điều có thật?” Những khổ đau dập dồn đến với ta và những người quanh ta kéo dài đến nỗi đôi khi làm tiêu tan đi niềm hy vọng mong manh về một ngày mai tươi sáng. Chúng ta hoài nghi về tính cách tạm bợ của những gì ta đạt được, và hoài nghi cả về sự tồn tại của một trạng thái được xem là hạnh phúc. Bởi vì nếu nó được sản sinh từ những gì vốn là tạm bợ, thì dựa vào đâu để bản thân nó có thể có được sự tồn tại lâu dài? Hạnh phúc chân thật, vì thế, chỉ có thể là có thật và tồn tại cùng chúng ta trong cuộc sống khi nó không bị phụ thuộc vào những gì tạm bợ quanh ta. Và một trạng thái như vậy có thật hay chăng? Làm thế nào để mỗi người trong chúng ta có thể đạt đến? Đó là những nội dung mà chúng tôi sẽ cố gắng trình bày cùng độc giả trong cuốn sách này.
(Trích thay lời tựa)

Mục lục:
  1. Thay Lời Tựa & Thời Gian Là Vốn Quý
  2. Cuộc Sống Chính Là Hiện Tại
  3. Bước Đi Không Cần Nơi Đến
  4. Nét Đẹp Trong Cuộc Sống
  5. Không Còn Sợ Hãi
  6. Tình Cảm Chân Thật Và Sự Hiểu Biết
  7. Đối Diện Khổ Đau
  8. Người Giàu Cũng Khổ
Nhà xuất bản
DPA
Người đọc
Huy Hồ, Kim Phượng, Tuấn Anh, Ngọc Mỹ, Hùng Thanh
Người gửi
dpa
Tải về
2,553
Xem
2,553
Phát hành
Cập nhật
Điểm
0.00 star(s) 0 ratings

Các tác phẩm khác

  • Chuyện vãng sanh ở Việt Nam - Tập 2
    Chuyện vãng sanh ở Việt Nam - Tập 2
    Tập 2 của các câu chuyện vãng sanh ở Việt Nam do nhóm Liên hữu miền nam đất việt thực hiện
  • Phật ở đâu?
    Phật ở đâu?
    Phim nhân quả, tập Phật ở đâu
  • Đổi nghề
    Đổi nghề
    Phim nhân quả, tập "Đổi nghề"
  • Món chay Vol 12
    Món chay Vol 12
    Cà ri, Chuối sáp kho tiêu, Mắm đậu xào sả, Mì căn nấu thơm, Đậu hũ tay cầm
  • Món chay Vol 11
    Món chay Vol 11
    Gỏi đu đủ thái, Cơm tay cầm, Cháo thập cẩm, Súp mai tuyết nhỉ bào ngư, Đậu hủ xào trần bì
  • Món chay Vol 10
    Món chay Vol 10
    Ram bắp, Đậu hủ chiên lá dứa, Đậu hủ ky khô nướng mè, Xá xíu chay, Mắm thái chay
  • Món chay Vol 09
    Món chay Vol 09
    Đậu hủ xào cần tây, Đậu hủ tìm, Mì căn xào nấm rơm, Súp đông cô chua cay, Mì căn xào lăn
Top