Hai Thực Tại

Hai Thực Tại

Tác giả
Thiền sư Sayadaw U Jokita

Ở đây, chúng ta sẽ nói về một lĩnh vực khác của niệm pháp (dhammānupassanā), là một pháp hành rất rộng, phần lớn nhất và rộng nhất trong kinh Đại niệm xứ. Trước khi nói về niệm pháp, tôi sẽ phải tự mâu thuẫn với chính mình một chút.

Tôi sẽ nói với các bạn những điều hoàn toàn ngược lại với những gì tôi đã nói lúc trước. Ngày hôm nay tôi sẽ nói cho các bạn biết một điều là: tất cả mọi thứ đang tồn tại này đều là khổ, đều là bất toại nguyện, tất cả mọi thứ đều rất tệ.

Trước đây tôi nói rằng mọi thứ thật tuyệt vời, làm sao tôi lại nói hai điều hoàn toàn trái ngược nhau như thế? Bởi vì cả hai đều đúng theo cách riêng của nó khi chúng ta sống trong hai dạng thực tại, hay hai dạng thức tồn tại khác biệt nhau. Đức Phật dạy hai loại chân lý, hay hai loại sự thật khác nhau; đừng bao giờ quên điều này, bởi vì nếu bạn quên và trộn lẫn hai loại thực tại này với nhau, bạn sẽ trở nên vô cùng rối.

Trong tiếng Pāli, hai loại thực tại đó được gọi là sammuti-sacca (sự thật quy ước hay còn gọi là tục đế) và paramattha-sacca (sự thật tuyệt đối hay còn gọi là chân đế). Tứ Diệu Đế (bốn sự thật cao thượng về khổ) là sự thật tuyệt đối, chân lý tuyệt đối; nhưng đồng thời chúng ta cũng sống trong sự thật quy ước nữa. Nói một cách tương đối thì trong cuộc sống cũng có lúc chúng ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và tự do, nhưng từ góc nhìn của sự thật tuyệt đối, của chân lý thực sự, thì chẳng có gì là toại nguyện và hạnh phúc cả và cũng chẳng có tự do đích thực. Tất cả mọi thứ đều do nhân duyên tạo thành và ràng buộc; tất cả mọi thứ sinh khởi do nhân duyên. Chúng ta cần phải hiểu cả hai loại sự thật đó một cách sâu sắc và đừng lẫn lộn.

Mỗi chúng ta thấy đau khổ theo cách riêng của mình và có thể có cách hiểu riêng của mình về khổ, nhưng Sự thật cao thượng về khổ nghĩa là sự thật về khổ, hay sự thật về sự bất toại nguyện được chứng nghiệm bởi những người đã giác ngộ. Các bậc giác ngộ hiểu về sự thật của khổ khác với cách hiểu của người bình thường. Những người bình thường hiểu về khổ hay bất toại nguyện theo cách khác, bởi vì họ nhìn nó như cái gì đó thuộc về cá nhân họ, nhưng đối với những người giác ngộ, khổ hay bất toại nguyện không phải là cái gì đó thuộc về cá nhân người nào, nó không phải của một ai hết.

Chừng nào bạn còn có suy nghĩ “Tôi đang đau khổ” hay “Tôi không thấy toại nguyện”, thì bạn vẫn còn chưa thực sự hiểu đúng về sự thật khổ và bạn sẽ không bao giờ có thể vượt qua được nó. Đó là một cái bẫy, khi nào bạn còn nghĩ “Tôi đang đau khổ và bây giờ phải làm thế nào để vượt qua nỗi khổ này đây?”, thì chừng đó bạn vẫn không bao giờ có thể vượt qua được nó.

Để thực sự vượt qua được khổ, bạn phải có khả năng nhìn nó như một cái gì đó không thuộc về cá nhân mình. Nếu bạn nghĩ “nỗi khổ của tôi”, tức là bạn vẫn đang ở trong đau khổ. Chỉ khi nào bạn thấy khổ chỉ là khổ, không có ai hay một chúng sanh nào ở đó, thì sự hiểu biết đó mới giúp bạn vượt thoát khỏi đau khổ. Đó chính là điều chúng ta phải làm khi thiền.

(Trích Hai thực tại)

Mục lục:
  1. Cuộc đời là một trường học
  2. Việc học hỏi sẽ không bao giờ chấm dứt
  3. Hai thực tại
  4. Phản hồi
Nhà xuất bản
Tôn Giáo
Người dịch
Sư Tâm Pháp
Người đọc
Kiều Hạnh
Người gửi
dieuphapam
Tải về
3,054
Xem
3,054
Phát hành
Cập nhật
Điểm
5.00 star(s) 1 ratings

Các tác phẩm khác

Top